2025.03 Khu vực Việt Nam
Tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu: Triệu chứng đáng lo của đột quỵ
FEAV / Phan Thị Quyên (Nina)


Tăng huyết áp, đái tháo đường (ĐTĐ) và mỡ máu cao là dấu hiệu dễ dẫn đến đột quỵ. Vì thế, cần kế hoạch dự phòng đột quỵ ở mọi lứa tuổi.
Bên cạnh ung thư, tim mạch, đột quỵ đang dần trở thành mối nguy toàn cầu khi tỷ lệ tử vong và tàn phế nằm trong top 3. PGS.TS.BS Nguyễn Huy Thắng, Phó chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115, cho biết: “Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ cao nhất, tỷ lệ ước tính vượt 218/100.000 dân”. Theo tỷ lệ này, với dân số 100 triệu, Việt Nam có khoảng trên 200.000 ca đột quỵ mỗi năm. Tăng huyết áp, đái tháo đường và rối loạn lipid máu (tăng mỡ máu) là 3 nguy cơ.
Có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi từ 15-49 và theo đó trong 6,5 triệu trường hợp tử vong do đột quỵ thì người trẻ chiếm đến 6%. (Theo thống kê của Hội Đột quỵ thế giới (WSO) năm 2022)
Dấu hiệu tiểu đường, mỡ máu và nguy cơ
Theo BS Nguyễn Thị Nguyệt - Khoa nội tổng quát Bệnh viện ĐHYD Shing Mark, khi đứng riêng lẻ, tiểu đường, huyết áp cao và mỡ máu đều đã là nguy cơ của đột quỵ. Điều đáng lo, tăng huyết áp, đái tháo đường và mỡ máu cao thường có mối liên hệ mật thiết, hay bị mắc song hành với nhau, đưa người bệnh càng đến gần với đột quỵ, bất kể tuổi tác.
Cụ thể, tăng huyết áp tạo ra áp lực lớn trên thành mạch máu, làm tổn thương thành mạch và thu hút cholesterol xấu tích tụ, gây bệnh mỡ máu.
Người ĐTĐ có thể đồng thời bị tăng huyết áp (gần 70%). Lượng đường trong máu cao ở người ĐTĐ làm cho độ nhớt của máu tăng, tốc độ dòng máu chậm lại, dẫn đến tăng huyết áp. Cả 2 tình trạng này kết hợp cùng lúc, tăng nguy cơ đột quỵ lên gấp 2-3 lần so với người bình thường.
Ngoài tăng huyết áp, người ĐTĐ còn có khả năng bị rối loạn mỡ máu. Khi đường huyết trong máu tăng cao sẽ tạo thành lớp bao phủ lên các thụ thể chuyên loại bỏ LDL-cholesterol tại gan, làm gan không thể loại bỏ được LDL-cholesterol, gây mỡ máu cao.
Như vậy, có thể thấy tăng huyết áp, ĐTĐ và tăng mỡ máu đều dẫn đến hậu quả xơ vữa động mạch, hẹp động mạch mạch cảnh và kết cục cuối cùng là đột quỵ. Một người có thể đồng mắc nhiều yếu tố nguy cơ, nên ngăn chặn ngay từ “đốm lửa” nhỏ.
Không bao giờ quá muộn để bắt đầu phòng ngừa
Tuy vậy, không bao giờ quá muộn để bắt đầu thực hiện những biện pháp ngăn ngừa.
Bệnh nhân đã mắc các bệnh ĐTĐ, tăng huyết áp luôn nhớ dùng thuốc đúng chỉ định, kiểm tra các chỉ số thường xuyên kết hợp với chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nếu bị rối loạn mỡ máu nên sử dụng thực phẩm nhiều chất xơ, giảm chất béo (mỡ, nội tạng động vật). Đồng thời tái khám định kỳ và tăng cường vận động, tránh hút thuốc lá, rượu bia.
Khi xuất hiện các triệu chứng xây xẩm, chóng mặt, tê yếu tay chân, nói ngọng, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt, đau đầu dữ dội… hãy nghĩ ngay đến đột quỵ và gọi cấp cứu. Tuyệt đối không tự ý cho rằng dấu hiệu này sẽ sớm qua đi tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian. Những hành vi này không những không giúp ích mà còn cản trở cơ hội sống sót của người bệnh.
P/S: Chú thích ảnh:
Tên hình ảnh | Diễn giải | Nguồn/ Tác giả |
Hình 1 | Bản đồ tỷ lệ đột quỵ ước tính trên 100.000 dân của các quốc gia trên thế giới |
Sưu tầm Trang web: vnexpress.net |
Hình 2 | CNV tham gia buổi tư vấn | Phan Thị Quyên |
Hình 3 | Bác sĩ Bệnh viện ĐHYD Shing Mark chia sẻ và trả lời trong buổi tư vấn | Phan Thị Quyên |
Hình 4 | Tặng quà cho CB CNV tham gia trả lời | Phan Thị Quyên |
#