2025.02 Thường thức đời sống
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung : Tiêm vắc xin HPV
Trưởng khoa Trần Chí Đạo / Khoa gia đình bệnh viện Ya Dong/
Lễ tình nhân lãng mạn đang gần tới, mặc dù các hành động thân mật có thể sẽ làm tăng thêm gia vị tình yêu, tuy nhiên việc quan hệ tình dục không an toàn là nguyên nhân dẫn tới các loại bệnh nguy hiểm. Theo thống kê, phụ nữ có tới 80% khả năng bị nhiễm virus HPV (Human Papillomavirus) trong suốt cuộc đời, và tỷ lệ này đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Chỉ cần từng có quan hệ tình dục, dù với một bạn tình duy nhất, vẫn có khoảng 60% nguy cơ nhiễm HPV. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nhiễm HPV kéo dài là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, đặc biệt là các loại HPV nhóm 16 và 18. Để bảo vệ sức khỏe, việc tiêm vắc xin HPV và thực hiện quan hệ tình dục an toàn là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa nguy cơ ung thư cổ tử cung.
Virus HPV và Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những loại ung thư phổ biến ở phụ nữ, đồng thời cũng nằm trong top 10 bệnh ung thư có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất ở phụ nữ tại Đài Loan, được coi là "kẻ giết người vô hình" đối với sức khỏe phụ nữ. Tuy nhiên, đây thực sự là một loại ung thư có thể giảm tỷ lệ mắc thông qua biện pháp phòng ngừa.
Hơn 90% trường hợp ung thư cổ tử cung có liên quan đến virus HPV gây u nhú ở người một loại virus phổ biến có thể lây nhiễm ở cả nam và nữ, chủ yếu qua tiếp xúc da, niêm mạc hoặc dịch cơ thể trong quá trình quan hệ tình dục. Ngoài ra, việc tiếp xúc với vật dụng có chứa HPV từ bộ phận sinh dục ngoài cũng có thể dẫn đến nhiễm virus này.
Làm quen với virus HPV gây u nhú ở người
HPV là một loại virus DNA, hiện đã biết có hơn 100 chủng loại. Tùy theo mức độ nguy cơ gây ung thư, HPV được chia thành hai nhóm: nhóm nguy cơ cao và nhóm nguy cơ thấp. HPV nhóm nguy cơ cao cũng có liên quan đến sự phát sinh ung thư bộ phận sinh dục ngoài của cả nam và nữ. Trong đó, hai chủng HPV 16 và 18 là những loại nguy cơ cao phổ biến nhất, gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung. So với các chủng nguy cơ cao, khả năng gây ung thư của HPV nhóm nguy cơ thấp là thấp hơn, nhưng nó có thể gây ra mụn cóc sinh dục (hay còn gọi là "Sùiùi mào gà").
Những ai có thể tiêm chủng vắc-xin HPV?
Vắc-xin HPV hiệu quả nhất đối với những người chưa có hoạt động tình dục hoặc chưa bị nhiễm HPV, tuy nhiên, những người đã có kinh nghiệm quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm vắc-xin. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị đối tượng tiêm chủng chính là phụ nữ từ 9 đến 14 tuổi, và cần tăng tỷ lệ tiêm chủng. Nếu tỷ lệ tiêm đạt trên 80%, nó cũng có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV ở nam giới. Vì vậy, Đài Loan tuân theo khuyến nghị của WHO và cung cấp dịch vụ tiêm vắc-xin. Những người không thuộc đối tượng được trợ cấp công sẽ cần tham khảo hướng dẫn hoặc tra cứu trên website của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm.
Ai không nên tiêm vắc-xin HPV?
- Những người đã có phản ứng dị ứng sau khi tiêm vắc-xin HPV.
- Những người đang mang thai (hiện tại, chưa có báo cáo nào về tác động xấu của vắc-xin HPV đối với mẹ hoặc thai nhi).
- Những người có kế hoạch mang thai (nên tránh mang thai trong 6 tháng sau khi tiêm vắc-xin).
- Những người có tiền sử bệnh lý đặc biệt (ví dụ: các vấn đề về đông máu, suy giảm chức năng miễn dịch, hoặc đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch).
- Những người có triệu chứng sốt, nhiễm trùng, hoặc đang dùng thuốc vào ngày tiêm vắc-xin cần thông báo cho bác sĩ để được đánh giá.
Cơ chế hoạt động của vắc-xin HPV
Vắc-xin HPV được sản xuất thông qua phương pháp tái tổ hợp protein vỏ, mô phỏng cấu trúc bên ngoài của virus HPV, tạo ra các hạt giống virus (virus-like particles). Nói cách khác, vắc-xin này là cấu trúc vỏ rỗng được làm từ protein, bên trong không chứa bất kỳ gen virus HPV nào. Sau khi tiêm, vắc-xin sẽ kích thích phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại HPV, nhưng không gây bệnh, do đó không thể gây nhiễm virus HPV từ việc tiêm vắc-xin.
Hiện nay, các thương hiệu vắc-xin HPV đã được phê duyệt là gì?
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Đài Loan đã phê duyệt ba loại vắc-xin HPV, bao gồm vắc-xin "Cervarix" của hãng GlaxoSmithKline (Hà Lan), và hai loại vắc-xin "Gardasil" (4 giá) và "Gardasil 9" (9 giá) của hãng Merck (Mỹ).
Sự khác biệt giữa vắc-xin HPV 2 giá, 4 giá và 9 giá là gì?
Ba loại vắc-xin HPV này khác nhau ở các chủng loại HPV mà chúng có thể phòng ngừa, cụ thể vắc-xin "Cervarix" (2 giá): Phòng ngừa hai chủng HPV là 16 và 18, vắc-xin "Gardasil" (4 giá): Phòng ngừa bốn chủng HPV là 6, 11, 16 và 18, vắc-xin "Gardasil 9" (9 giá): Phòng ngừa chín chủng HPV gồm 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58. Dù là vắc-xin 2 giá, 4 giá hay 9 giá, tất cả đều có khả năng phòng ngừa nhiễm HPV loại 16 và 18, hai chủng virus có nguy cơ cao gây ung thư cổ tử cung
Tiêm mấy mũi vắc-xin HPV? Mỗi mũi cách nhau bao lâu?
Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm phê duyệt, số liều tiêm và khoảng cách giữa các liều vắc-xin HPV khác nhau tùy thuộc vào giới tính, độ tuổi và loại vắc-xin. Người tiêm có thể cần tiêm 2 hoặc 3 liều, và thời gian giữa các liều cũng không giống nhau.
Vắc-xin HPV 2 giá Cervarix
- Nữ từ 9–14 tuổi: Tiêm 2 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0 và từ tháng thứ 5 đến tháng thứ 13.
- Nữ từ 15 tuổi trở lên: Tiêm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0, tháng thứ 1 và tháng thứ 6.
Vắc-xin HPV 4 giá Gardasil
- Nữ từ 9–13 tuổi: Tiêm 2 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0 và tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 12.
- Nữ từ 14–45 tuổi: Tiêm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0, tháng thứ 2 và tháng thứ 6.
- Nam từ 9–26 tuổi: Tiêm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0, tháng thứ 2 và tháng thứ 6.
Vắc-xin HPV 9 giá Gardasil 9
- Nam và nữ từ 9–14 tuổi: Tiêm 2 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0 và từ tháng thứ 6 đến tháng thứ 12.
- Nam và nữ từ 15–45 tuổi: Tiêm 3 liều, khoảng cách giữa các liều là tháng 0, tháng thứ 2 và tháng thứ 6.
Sau khi tiêm xong các mũi, hiệu quả bảo vệ kéo dài bao lâu?
Hiện nay, thời gian theo dõi những người tham gia thử nghiệm dài nhất chỉ đạt 12 năm, nên chưa thể xác định chính xác thời gian bảo vệ tối đa. Tuy nhiên, theo dữ liệu mới nhất: vắc-xin Cervarix (2 giá): Bảo vệ ít nhất 11 năm, vắc-xin Gardasil (4 giá): Bảo vệ ít nhất 12 năm, vắc-xin Gardasil (9 giá): Bảo vệ ít nhất 8 năm. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vào năm 2022 đã khẳng định rằng hiện không có bằng chứng nào cho thấy cần tiêm liều nhắc lại.
Kết luận
Ung thư cổ tử cung là một trong những thách thức lớn đối với sức khỏe phụ nữ, và việc nhiễm virus HPV kéo dài có liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc bệnh này. Hãy đến khám tại các khoa Y học gia đình, phụ sản hoặc tiết niệu để được bác sĩ tư vấn và đánh giá việc tiêm vắc-xin HPV. Đồng thời, duy trì việc tầm soát định kỳ không chỉ giúp phòng ngừa hiệu quả nhiễm HPV mà còn bảo vệ bản thân và bạn đời khỏi các bệnh lý nguy hiểm. Đây chính là món quà lãng mạn và ý nghĩa nhất cho một ngày lễ tình nhân ấm áp!
#